232 Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh
agr.aseanstar.inv@saovietasean.vn
Thông báo về việc xuống giống vụ lúa Hè Thu 2022
Ảnh: Máy bay phun thuốc BVTV trên cây lúa
Lịch xuống giống lúa chia làm 03 đợt như sau: Đợt 1: Từ ngày 22 - 28/3/2022 (nhằm ngày 20-26/2/2022 âm lịch). Đợt 2: Từ ngày 21 - 27/4/2021 (nhằm ngày 21-27/3/2022 âm lịch). Đợt 3: Xuống giống khi mùa mưa bắt đầu.
Căn cứ Quyết định số 2444/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;
Thực hiện Quyết định số 602/QĐ-SNNPTNT ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển nông nghiệp và thủy sản năm 2022;
Để đảm bảo sản xuất vụ lúa Hè Thu 2022 đạt 75.500 ha được thắng lợi với năng suất 6,2 tấn/ha và tổng sản lượng đạt 468.100 tấn trước ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn và rầy nâu từ lúa Đông Xuân 2021-2022 đang vào giai đoạn thu hoạch rộ lây lan với mật số cao do lúa vào giai đoạn trổ - chín chiếm 53.836 ha (đã thu hoạch được 1.871 ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo lịch xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Bố trí lịch thời vụ
Lịch xuống giống lúa chia làm 03 đợt như sau:
Đợt 1: Từ ngày 22 - 28/3/2022 (nhằm ngày 20-26/2/2022 âm lịch).
Đợt 2: Từ ngày 21 - 27/4/2021 (nhằm ngày 21-27/3/2022 âm lịch).
Đợt 3: Xuống giống khi mùa mưa bắt đầu. Đối với các xã bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm trên địa bàn của huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và Ngã Bảy.
* Do tình hình thu hoạch lúa Đông Xuân nên khả năng rầy nâu di cư liên tục trong tháng. Căn cứ theo tình hình thời tiết, thủy văn thực tế của từng vùng, đồng thời kết hợp việc theo dõi rầy nâu di trú của địa phương để quyết định thời điểm xuống giống hợp lý, đảm bảo né rầy ở các huyện, thị, thành.
2. Cơ cấu giống lúa
- Các giống lúa chủ lực: Sử dụng một số giống có khả năng chống chịu mặn như OM5451, OM6976, OM2517, OM 4900, ST 24,...
- Các giống lúa bổ sung: OM18, RVT, Đài thơm 8,...
3. Các giải pháp thực hiện
- Vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, phơi đất cách ly từ 15-20 ngày trước khi gieo sạ để đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ nhằm tránh ngộ độc hữu cơ (thối rễ) cho lúa.
- Sử dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
- Sạ thưa, sạ hàng hoặc cấy với lượng giống <100 kg/ha. Ưu tiên biện pháp cấy để hạn chế đổ ngã và giúp lúa chống chịu tốt trong điều kiện bất lợi như mưa, bão hoặc hạn mặn do biến đổi khí hậu.
- Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng công nghệ sinh thái, ứng dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu…
- Hạn chế phun thuốc trừ sâu, rầy đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau.
- Bón phân cân đối, giữa đạm - lân - kali, không bón thừa đạm nhất là trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh.
- Một số biện pháp kỹ thuật có thể áp dụng đối với những vùng sản xuất lúa bị hạn, có nguy cơ bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt để tưới như sau:
+ Đối với các khu vực đất phèn bị xâm nhập mặn, đất ruộng bị khô, tầng phèn có điều kiện hoạt động bà con nông dân cần dự trữ nước ngọt, nước mưa để ngâm trong ruộng liên tục 15-20 ngày, sau đó xả nước 2-3 lần và bón vôi trước khi sạ để hạn chế phèn làm chết giống lúa.
+ Bón vôi 500-1.000 kg/ha ngay đầu vụ và tăng cường sử dụng các loại phân bón có chứa hàm lượng canxi, silic để giúp lúa tăng sức đề kháng và chống chịu với sâu, bệnh, hạn mặn và hạn chế đổ ngã.
+ Sử dụng các dạng phân Urê chậm tan để chống thất thoát đạm trong điều kiện hạn xảy ra.
+ Trong điều kiện xảy ra xâm nhập mặn có thể sử dụng phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng giúp rễ lúa phát triển để hấp thu dinh dưỡng và nước.
4. Tổ chức thực hiện
Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố, thị xã phối hợp các xã, phường, thị trấn chỉ đạo nông dân trên địa bàn xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” của địa phương để hạn chế sự gây hại của rầy nâu và lan truyền của mầm bệnh bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Chỉ đạo các Trạm chuyên môn tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tuân thủ lịch xuống giống. Khuyến cáo nông dân không thực hiện biện pháp phun ngừa khi sâu, rầy ở mật số thấp để tránh tình trạng sinh vật gây hại bộc phát trên đồng ruộng.
Hiện nay, diễn biến hạn mặn, rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá phức tạp, do đó các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin từ các cơ quan chuyên môn; đồng thời không được nóng vội xuống giống vụ lúa Hè Thu ngoài lịch do khả năng rầy nâu di cư với mật số cao từ ruộng lúa đang thu hoạch sang trà lúa mới gieo sạ./.